Nhằm triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho thanh niên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình OCOP, giới thiệu cho đoàn viên, thanh niên các bước xây dựng sản phẩm OCOP, sự cần thiết, lịch sử, nguyên tắc của OCOP, nội dung Chương trình OCOP, những hỗ trợ của nhà nước…. để đoàn viên, hội viên thanh niên và người dân tại địa phương nắm thực hiện có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Trong năm 2022, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo Đoàn xã Nhị Trường hướng dẫn Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Linh về thủ tục, quy trình và hỗ trợ xây dựng, quảng bá và giới thiệu sản phẩm Trà Sâm Bố Chính của Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Linh thông qua hoạt động tuyên truyền cho người dân và hoạt động trưng bày sản phẩm của địa phương tại Đại hội Đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Đồng thời, chỉ đạo Đoàn xã Thuận Hòa hỗ trợ hộ anh Hồ Minh Cường phát triển làng nghề truyền thống Hủ tiếu sợi xã Thuận Hòa tiến tới hoàn chỉnh các hồ sơ xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm đạt chuẩn OCOP trong thanh niên tại địa phương.
Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2022
* Sơ lược về sản phẩm Trà Sâm Bố Chính – Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Linh xã Nhị Trường
HTX nông nghiệp Nhật Linh được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2017, hoạt động ở lĩnh sản xuất, kinh doanh rau an toàn, thu mua nông sản, tư vấn kỹ thuật, cung cấp các loại giống cây trồng và dịch vụ nông nghiệp. HTX đã chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học – kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đầu tư trang thiết bị máy móc để giảm sức lao động, tìm kiếm thị trường, đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, HTX trồng thử nghiệm 0,15ha giống cây sâm bố chính, sản lượng đạt 1,2 tấn, giá bán 250.000 – 400.000 đồng/kg sâm tươi tùy loại. Từ nguyên liệu sâm tươi, HTX còn sơ chế biến thành sản phẩm trà sâm túi lọc với trọng lượng 100gam/túi bán với giá 62.000 đồng/túi. Trà sâm bố chính có công dụng tăng cường sức khỏe, làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa các loại bệnh ung thư, giúp làm giảm lượng đường của bệnh tiểu đường. Sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đăng ký hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đến Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh xem xét trong năm 2022.
Hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm Trà Sâm Bố Chí của Đoàn xã Nhị Trường
Sản phẩm Trà Sâm Bố Chính của Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Linh xã Nhị Trường
* Sơ lược về sản phẩm Hủ tiếu sợi Minh Cường xã Thuận Hòa
Nghề làm hủ tiếu ở ấp Nô Công, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang đã tồn tại khoảng 100 năm nay. Hầu hết các hộ làm nghề hủ tiếu này là những người thân trong dòng họ tham gia sản xuất và cung cấp với số lượng khá lớn cho người dân địa phương và các vùng lân cận ngoài tỉnh.
Ấp Nô Công hiện có 12 hộ gia đình lưu giữ nghề làm hủ tiếu truyền thống. Chính từ nghề làm truyền thống này đã mang nét riêng và đặc trưng của làng nghề. Trong số đó, đáng chú ý nhất là gia đình của anh Hồ Minh Cường, ấp Nô Công là một trong những hộ làm hủ tiếu lưu giữ nghề truyền thống lâu đời và anh Hồ Minh Cường đời thứ 4 của gia đình tiếp nối nghề truyền thống làm hủ tiếu này. Tuy nghề làm hủ tiếu giống nhau nhưng mỗi gia đình có bí quyết gia truyền khác nhau. Điều quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu gạo ngon kết hợp với bột mì và gia vị khác, tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, rút, xay… Quy trình sản xuất hủ tiếu khá công phu gần như giống với quy trình sản xuất bánh tráng khi bước đầu chọn nguyên liệu làm hủ tiếu làm từ gạo, bột mì, muối, dầu ăn. Bước đầu tiên là ngâm gạo trong thời gian 24 giờ và làm sạch, sau đó đem xay nhuyễn thành bột và lọc nước lấy bột đặc trộn với bột mì, muối, rồi hấp cho bột chín tạo thành những dãy bánh dài đưa vào tấm mê, tiếp theo mang đem phơi. Bánh sau khi phơi khô, cắt thành từng sợi cung cấp người tiêu dùng. Phần lớn sản phẩm hủ tiếu đều cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh với giá bán 18.000 đồng/kg hủ tiếu, lợi nhuận từ 600.000 – 700.000 đồng/ngày, trong đó cung cấp khoảng 200kg hủ tiếu/ngày cho khách hàng các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm được Hội đồng cấp huyện đăng ký hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đến Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh xem xét trong năm 2022.
Hoạt động tuyên truyền, triển khai, quảng bá sản phẩm Hủ tiếu sợi Minh Cường của Đoàn xã Thuận Hòa
Sản phẩm Hủ tiếu sợ Minh cường xã Thuận Hòa
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Huyện đoàn chỉ đạo các Đoàn xã, thị trấn tiến hành rà soát sản phẩm lợi thế của địa phương để vận động ĐVTN tham gia thực hiện chương trình OCOP nhằm tìm ra sản phẩm đạt hiệu quả; tổ chức triển khai trong đoàn viên, thanh niên tại địa phương để đoàn viên, thanh niên nắm được cách thực hiện chương trình nhằm thực hiện đạt hiệu quả sản phẩm Chương trình OCOP và quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Kết quả, qua triển khai có 13 sản phẩm chủ lực của địa phương được định hướng hoàn thiện để thực hiện sản phẩm OCOP năm 2022 và được Hội đồng cấp huyện đăng ký hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đến Hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm thuộc chương trình Mỗi xã một sản phẩm cấp tỉnh xem xét (Sản phẩm bánh tét Tứ quý, bánh tét ba nhân, bánh tét thập cẩm xã Kim Hòa; Sản phẩm hủ tiếu sợi xã Thuận Hòa; Sản phẩm Tôm khô, Rượu Quách, Lươn thịt xã Vinh Kim; Sản phẩm Đậu phọng rang xã Long Sơn; Sản phẩm Bánh phòng mì Thị Trấn Mỹ Long; Sản phẩm Chả lụa Huế Thị Trấn cầu Ngang; Sản phẩm Trà Sâm Bố Chính Hợp tác xã Nông nghiệp Nhật Linh xã Nhị Trường; Sản phẩm nước đóng chai xã Hiệp Hòa; Sản phẩm mật ong rừng xã Hiệp Mỹ Đông).
Hướng tới, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần mở rộng thị trường và nâng cao lợi nhuận cho chủ thể, các cấp bộ Đoàn trong huyện tiếp tục hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện tối đa cho các chủ thể tham gia xúc tiến thương mại thông qua các hội chợ, triển lãm…; hỗ trợ giới thiệu, bán sản phẩm OCOP liên kết với hoạt động du lịch trong và ngoài huyện. Đặc biệt là tập trung nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm nông nghiệp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; gắn với phát triển các sản phẩm có tiềm năng ở các xã, thị trấn đạt sản phẩm OCOP. Khuyến khích phát triển liên kết tiêu thụ sản phẩm tiến tới hoàn thiện tiêu chuẩn hóa sản phẩm thành sản phẩm OCOP.
Huyện đoàn Cầu Ngang