“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU NGANG ::.”

SẢN PHẨM OCOP: BÁNH TÉT BA MÀU – CSSX HAI LÝ ẤP TRÀ CUÔN XÃ KIM HÒA

CÂU CHUYỆN SẢN PHẨM BÁNH TÉT BA MÀU

( BÁNH TÉT TRÀ CUÔN HAI LÝ -ẤP TRÀ CUÔN, XÃ KIM HÒA, CẦU NGANG, TRÀ VINH)

 

          Tết nguyên đán từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa của người Việt Nam ta, cứ mỗi dịp tết đến xuân về thì đây chính là lúc mọi nhà sum họp, quây quần bên nhau cùng nhìn lại một năm cũ đã qua và ước nguyện cho một năm mới sắp tới. Không biết từ khi nào mà cái hình ảnh nồi bánh chưng, bánh tét bên bếp lửa hồng nó lại gắn liền với hình ảnh ngày tết, đã từ rất lâu rồi đòn bánh tét nó đã trở thành một phần mâm cơm ngày tết và việc gói bánh tét trở thành một trong những phong tục ngày tết không thể thiếu của người dân Nam Bộ chúng tôi. Đối với gia đình tôi không chỉ vào ngày tết mà là những ngày bình thường gói bánh tét nó đã trở thành một cái nghề truyền thống, bởi được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Trà Cuôn – Kim Hòa –  Cầu Ngang – Trà Vinh nơi được mệnh danh là cái nôi của nghề gói bánh tét, chúng tôi không những xem việc gói bánh tét là một cái nghề mà nó còn là một thứ gì đó tượng trưng cho hình ảnh của địa phương, nói đòn bánh tét nó gắn liền với hình ảnh quê hương thì nghe có vẻ khó tin nhưng đó là sự thật. Làng nghề bánh tét Trà Cuôn đã có tuổi đời hơn 50 năm, nơi đây gắn liền với cái hình ảnh những người nông dân phải ngày đêm bán mặt với ruộng đồng, những đứa trẻ vì nghèo mà phải bỏ học đi làm kiếm tiền, những cô bé chỉ mới đôi mươi mà cứ trông như một người phụ nữ cằn cỗi vì phải quanh năm làm lụng, đáng lẽ ra họ phải được sống tốt hơn nhưng vì chữ nghèo mà họ phải sống một cuộc sống cơ cực như thế. Chứng kiến những hình ảnh đó tôi không khỏi xót thương, xót thương cho những người bị chữ nghèo dày xéo, xót thương cho những đứa trẻ tội nghiệp vì thế mà bản thân tôi luôn luôn phấn đấu hết mình, mỗi một phút giây tôi đều muốn làm thế nào để người dân mình bớt khổ, địa phương mình được phát triển hơn.

Trải qua bao năm tháng nơi đây đã có biết bao sự đổi thay nhưng cái nghề gói bánh tét ở đây nó đã trở thành truyền thống, không hề phai mờ theo năm tháng mà nó ngày càng phát triển hơn nữa, qua một khoảng thời gian tồn tại khá dài thì để phủ nhận độ nổi tiếng của làng nghề Trà Cuôn là khó có thể, khi về với miền Tây nếu hỏi bánh tét ở đâu ngon nhất thì đa số câu trả lời mọi người nhận được sẽ là bánh tét Trà Cuôn, còn nếu hỏi ở Trà Cuôn bánh tét của ai ngon nhất thì đó chính là bánh tét Hai Lý một cơ sở bánh tét nổi tiếng với các loại bánh tét đặc sản của Trà Vinh. Với mục đích giữ gìn bản sắc, văn hóa của địa phương mình đồng thời tạo nên độ phong phú cho sản phẩm để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn vì thế mà Hai Lý luôn phấn đấu không ngừng để tìm tòi nhào nặn ra những loại bánh mang một hơi hướng mới kết hợp với sử dụng các loại máy móc hiện đại vào một số khâu sơ chế, rút ngắn được một khoảng thời gian nên Hai Lý luôn đảm bảo có thể đáp ứng được ngay nhu cầu của khách hàng.

Từ đó mà có sự ra đời của bánh tét Ba màu, bánh tét Ba màu chính là một kết tinh từ những giọt mồ hôi công sức, tất cả sự sáng tạo của những khối óc phi thường của người nghệ nhân Hai Lý và sự khát khao muốn mang bản sắc của địa phương mình vươn đến tầm cao mới để cùng với đó là góp phần vào giải quyết một số vấn đề nan giải của địa phương mình, giúp địa phương có thể ngày một phát triển hơn, để những người nông dân chân lắm tay bùn đỡ khổ, để những đứa trẻ tội nghiệp có thể tiếp tục đến trường để chúng sống đúng với năm tháng tuổi thơ của mình mà không phải lo toan bộn bề. Với bánh tét Hai Lý, mỗi một đòn bánh mà chúng tôi làm ra thì trong từng hạt nếp chúng tôi đều đặt tất cả tấm lòng và tất cả sự tâm huyết của mình vào trong đó, bánh tét Ba màu cũng thế, không những tạo nên một ngoại hình mới cho mình mà cái tên nghe có vẻ đơn sơ của nó nhưng lại ẩn sâu bên trong là một ý nghĩa hết sức sâu sắc, ba màu của bánh chính là tượng trưng cho những sự may mắn, những điều tốt đẹp nhất, tài lộc luôn đến với mọi người, hơn thế nữa nó còn là một lời chúc cho sự vẹn toàn và viên mãn trong cuộc sống.

          Đã tồn tại từ rất nhiều năm trước đến nay thì Bánh tét Hai Lý đã phần nào chinh phục được lòng tin của khách hàng song hiện tại trên thị trường vẫn có nhiều cơ sở bánh tét khác nhau nhưng chúng tôi tự tin rằng những đòn bánh tét do mình làm ra sẽ là ngon nhất, chất lượng nhất, bánh tét Ba màu hiện đang là một sản phẩm được nhiều người ưa chuộng bởi nhờ vào sự đổi mới về màu sắc cũng như hương vị của bánh đã kích thích sự tò mò của khách hàng, trước đây bánh tét chỉ có một màu là màu xanh nhưng giờ nó được đa dạng hơn với các màu cam, tím, xanh cùng kết hợp lại càng tăng thêm độ thẩm mĩ cho bánh. Các màu sắc của bánh tét ba màu hoàn toàn được làm từ các màu tự nhiên không sử dụng các chất tạo màu nên phần nào khách hàng có thể an tâm tin tưởng về sản phẩm của chúng tôi.

          Bánh tét là một cái tên quen thuộc đối với người dân miền Nam, nhưng không phải ở đâu cũng có cách gói bánh giống nhau, có nơi họ sẽ gói bánh với nhân bên trong là chuối, hoặc chỉ đơn giản là gạo nếp, đậu xanh, thịt mỡ, có nơi sẽ thêm một số nguyên liệu như lạp xưởng, các loại hạt,… còn khi về với Trà Cuôn mọi người sẽ được thưởng thức một món đặc sản bánh tét Ba màu của Hai Lý, đúng như cái tên của nó bánh tét ba màu được gói gọn với các màu xanh lá, cam, tím, những màu này sẽ được lấy từ nước của các loại cây bồ ngót, lá cẩm, trái gấc không sử dụng màu thực phẩm, được trộn với một loại nếp sáp được nhập trực tiếp tại Cầu Ngang, nếp sáp là giống nếp đặc sản của vùng Nam Bộ, với đặc điểm hạt dài, to mẩy, trắng đục đều màu, có mùi thơm nhẹ, khi nấu nếp sáp cho cơm dẻo, ngọt hậu và rất thơm, khi kết hợp với các màu trên rồi mang đi nấu lên nếp sẽ cho ra hương thơm rất đặc biệt, một hương thơm đặc trưng mà khó có thể tìm được ở những đòn bánh khác. Đi sâu vào phần nhân bánh thì sẽ bao gồm đậu xanh, thịt mỡ, trứng muối. Phần đậu xanh được chọn phải là loại đậu tách vỏ được ngâm trong nước từ 4-6 tiếng cho hạt đậu mềm hơn rồi sau đó sẽ mang đi nấu chính và quếch thật mịn. Thịt mỡ được chọn từ những phần thịt ngon nhất của lợn, khi mang về được sơ chế thật kỹ rồi sau đó được cắt thành thỏi dài vuông vức các góc cạnh sau đó sẽ được tẩm ướp với cái gia vị như đường, muối,…gia giảm cho phù hợp với khẩu vị của khách hàng. Trứng muối sẽ được rửa sạch lớp tro bên ngoài và tách phần lòng đỏ ra khỏi lòng trắng, phần lòng đỏ sẽ được rửa lại với rượu đây là một bí quyết để giúp khử được mùi tanh cho trứng.

Khi đã chuẩn bị sẵn sàng các nguyên liệu thì người thợ sẽ tiến hành khâu gói bánh, đây được xem là quá trình đòi hỏi nhiều sự kỳ công nhất bởi lẽ người thợ phải làm thế nào để có thể trải được cái lớp nếp với ba màu khác nhau trên cùng một lớp lá chuối mà khi gói lại nó vẫn giữ nguyên được vị trí ban đầu mà không trộn lẫn vào nhau, tiếp theo đó sẽ lần lượt là lớp đậu xanh rồi đến thịt mỡ và cuối cùng là trứng muối, khi cho các nguyên liệu vào cùng nhau người thợ sẽ bắt đầu cuộn bánh thành hình trụ rồi sẽ dùng một loại dây lạt để buộc thật chặt đòn bánh lại đảm bảo cho quá trình nấu các hạt nếp sẽ được kết chặt vào nhau không bị rời rạc. Bánh sẽ được nấu trong vòng 9 đến 10 tiếng tùy theo kích thước. Khi bánh chín người thợ sẽ mang bánh ra để cho ráo nước đợi cho nguội thì có thể đưa đến tay khách hàng. Thành phẩm của bánh sẽ là một đòn bánh tét với bên trong là ba màu nếp kết chặt với nhau ôm trọn một phần nhân đặc biệt với cái mùi vị khó có thể nào nhầm lẫn được.

          So với các loại bánh tét trên thị trường thì bánh tét Ba màu có thể khẳng định được sự khác biệt của mình, đa số các sản phẩm khác trên thị trường vẫn đáp ứng được về chất lượng nhưng do thiếu kinh nghiệm khi cho ra một đòn bánh vẫn gặp nhiều thiếu sót, có thể là về phần vỏ bánh các hạt nếp sẽ bị trộn lẫn một vài hạt màu khác vào, hoặc hạt nếp khi nấu không kỹ sẽ dẫn đến việc còn sót một vài hạt không chín, bánh bị khô cứng gây cảm giác khó chịu khi ăn, có đôi khi gia vị nêm vào phần nhân bánh có phần gia giảm không đều sẽ dẫn đến việc bánh quá mặn, quá ngọt hoặc là quá nhạt. Ở mỗi một màu sắc, nguyên liệu trong đòn bánh tét Ba màu nó đều mang một đặc trưng riêng biệt nhưng khi được kết hợp với nhau nó lại mang đến một sự hòa quyện đến bất ngờ, bởi nhờ vào cái độ dẻo thơm của nếp sáp kết hợp với cái mùi thơm của lá bồ ngót rồi đến lá cẩm và đặc biệt là mùi thơm của trái gấc chỉ là một hương thơm nhè nhẹ nhưng nó không thể lẫn vào đâu được, rồi đến những miếng thịt mỡ, những cái lòng đỏ trứng muối được gói gọn bởi lớp đậu xanh mềm mịn tan chảy khi cắn vào một miếng ta sẽ cảm nhận được ngay cái vị mằn mặn, thơm thơm rồi béo ngậy nó tuyệt vời làm sao. Bánh tét Ba màu của Hai Lý mang thương hiệu của bánh tét Trà Cuôn gắn với một làng nghề vang danh khắp ba miền đất nước không vì thế mà chúng tôi quá tự tin về thương hiệu của mình mà không chú trọng đến chất lượng của sản phẩm, với Hai Lý chúng tôi luôn luôn quan tâm đến chất lượng của từng đòn bánh tét phải làm sao để khách hàng ăn một lần rồi mà phải quay lại tìm mình đó mới là đều mà chúng tôi mong muốn.

Là một đặc sản gây thương nhớ với biết bao người, đặc biệt là những khách hàng ở nơi xa và những đứa con xa quê hương, khi về Trà Cuôn rồi thì chắc hẳn họ sẽ tìm đến với Hai Lý để được một lần nữa nếm cái thứ đặc sản gây cho họ biết bao xuyến xao. Hai Lý đã và đang tăng cường mở rộng độ phủ cho sản phẩm nên khách hàng ở phương xa muốn sử dụng bánh tét của chúng tôi không phải lo ngại về cách trở địa lí, hiện nay bánh tét Hai Lý đang có cơ sở tại QL53 – Kim Hoà – Cầu Ngang – Trà Vinh, các đại lý ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh thành khác, ngoài ra sản phẩm còn được đăng bán trên sàn thương mại điện tử. Khách hàng ở gần có thể đến với cơ sở bánh tét Hai Lý để trải nghiệm sản phẩm, còn đối với khách hàng ở xa vẫn có thể an tâm mua được sản phẩm dễ dàng bởi vì hiện tại chúng tôi đã có kênh mua sắm riêng, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin và đặt mua sản phẩm thông qua website của bánh tét Hai Lý, chúng tôi luôn đảm bảo sẽ đáp ứng được nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng của khách hàng.

          Có thể nói bánh tét Ba màu là một món ăn mang nhiều dinh dưỡng thỉnh thoảng chúng ta có thể dùng nó làm món ăn đổi vị thay cho cơm, vào những ngày tết nếu cảm thấy ngậy với nồi thịt kho hột vịt hay nồi canh khổ qua thì ta có thể  mang bánh tét chế biến thành món chiên hoặc ăn kèm với các loại dưa món sẽ giúp làm kích thích vị giác hơn. Về lợi ích mà bánh tét Ba màu mang lại là không ích đầu tiên là phần vỏ bánh, phần màu xanh của nếp được trộn từ nước rau bồ ngót chứa  vitamin C, B1, B6, magiê, kali, canxi, phốt pho, ngoài ra loại rau xanh này còn chứa một lượng đạm (protid) dồi dào có tác dụng thanh nhiệt cho cơ thể, với phần nhân bánh thì đậu xanh có tác dụng phòng ngừa một số bệnh về tim mạch, phần thịt mỡ sẽ giúp cung cấp một lượng chất đạm và chất béo cần thiết cho cơ thể, trứng muối chứa một hàm lượng protein cao giúp cải thiện thị lực, ngừa các vấn đề về xương khớp và một số lợi ích tuyệt vời khác nữa, chỉ mới điểm sơ qua thì ta có thể thấy được những lợi ích mà bánh tét mang lại là một lượng không nhỏ.

Bánh tét là sản phẩm của sự giao thoa nhiều nền văn hóa của đồng bào Nam Bộ, nhiều sự tích khác nhau về bánh tét cũng được truyền hết đời này sang đời khác. Một trong số những truyền thuyết được đề cập nhiều nhất đó là sự tích liên quan đến vua Quang Trung, vào mùa xuân năm 1789, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc đánh quân Thanh lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn tết, trong số quân lính có một người lính được vợ gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay. Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung, vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn, anh mắc chứng đau bụng nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa. Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết. Lâu ngày tên bánh biến thành bánh Tét. Cũng có người cho rằng, do bánh tét được sử dụng trong các ngày Tết nên tên gọi của bánh có cách phát âm gần giống với từ “tết”, lâu ngày tên ấy có thể được đọc trại âm ra thành tét. Bên cạnh đó cái tên bánh tét cũng bắt nguồn từ hành động khi ăn bánh, tét là một hành động cắt bánh, tay phải cầm đầu dây khoanh tròn đòn bánh đã lột (vỏ), “tét” từng khoanh một đơm lên đĩa, và tên gọi “bánh tét” rất có thể còn xuất xứ từ cách thức cắt bánh.

Còn theo quan niệm cha ông xưa, những loại bánh và thức ăn được dùng trong ngày Tết mỗi một loại điều mang trong mình ý nghĩa thương nhớ người xưa, cầu chúc cho sự ấm no, sum vầy của gia đình, đa tạ trời đất đã cho người dân mùa lúa thuận lợi và bánh tét cũng không ngoại lệ. Bánh tét còn được tượng trưng cho hình ảnh người mẹ bao bọc lấy con mình, mang mong muốn sum vầy của người Việt vào ngày Tết.

Cho dù trải qua một thời gian dài nhưng hình ảnh bánh tét không hề mai một trong lòng người dân Nam Bộ mà giờ đây nó đã trở thành một nét văn hóa truyền thống đối với người dân ở đây, không chỉ đơn giản là một món ăn bánh tét còn là một thứ gì đó mà sâu bên trong nó còn mang một sứ mệnh đối với làng nghề đối với quê hương. Tự hào là một người con của Trà Cuôn chúng tôi không chỉ mong muốn địa phương mình có thể ngày một phát triển hơn mà còn là tất cả người dân đều có được cuộc sống ấm no hạnh phúc. Vì vậy mà Hai Lý muốn để bánh tét Ba màu tiếp tục thực hiện mong muốn đó và cùng với bánh tét ba màu chúng tôi sẽ không ngừng phấn đấu để mang sản phẩm truyền thống của gia đình và địa phương đến với tất cả mọi người dân mọi vùng miền trên khắp cả đất nước và trong tương lai có thể là sự góp mặt của bánh tét Hai Lý trên khắp các thị trường quốc tế.

HẾT

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn