Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Cầu Ngang luôn có sự tham gia tích cực và hiệu quả của đông đảo đoàn viên thanh niên. Các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho đoàn viên thanh niên luôn được Ban Thường vụ Huyện đoàn Cầu Ngang quan tâm triển khai thực hiện bằng các giải pháp thiết thực, hiệu quả, đặc biệt là các mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Qua triển khai, rà soát những mô hình hiệu quả trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện đoàn nhận thấy mô hình “Bầm nhựa tái sinh” của đoàn viên Hà Văn Chúc, sinh năm 1992, ấp Sóc Mới, xã Long Sơn. Mô hình này mang tính khả thi cao trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thông qua hoạt động thu mua đồ nhựa cũ đã qua sử dụng để tái chế lại như: dàn quạt nuôi tôm, đồ dùng bằng nhựa tủ lạnh, tivi…Sau khi thu gom, phân loại và làm sạch từng loại nhựa được tái chế thành hạt nhựa nguyên sinh chất lượng cao bằng cách xay nhuyễn thành hạt. Hạt nhựa này là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là bán cho các công ty ở Thành Phố Hồ Chí Minh và Bình Dương thu mua với giá từ 15.000 đồng đến 50.000đồng/kg hạt nhựa đã xay tuỳ loại chất liệu nhựa. Bình quân mỗi tháng anh Hà Văn Chúc xuất hàng ít nhất một lần, mỗi lần khoảng 5 tấn hạt nhựa xay. Đây là mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể nói, mô hình “Bầm nhựa tái sinh” của đoàn viên Hà Văn Chúc đang là xu hướng ngày càng thấy rõ hơn trong quá trình xây dựng các mô hình sản xuất theo kinh tế tuần hoàn, là vấn đề mà các tập đoàn sản xuất lớn đều đang hướng đến, giúp giảm thiểu tác động tới môi trường, hướng đến nền kinh tế xanh và thúc đẩy các doanh nghiệp gia tăng sử dụng nhựa tái sinh trong sản xuất bao bì. Việc thu gom, tái chế hoặc chuyển đổi các vật liệu này sang các dạng khác có vòng đời dài hơn sẽ giảm thiểu sự tồn tại của các vật liệu này trong môi trường sống, giảm được tác động tiêu cực của các vật liệu này lên môi trường. Đây là mô hình thiết thực trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ĐVTN ở địa phương.
Trong năm 2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã thành lập đoàn đến thăm thực tế mô hình, để tiếp tục phát huy tính hiệu quả của mô hình, khích lệ tinh thần, tạo động lực cho đoàn viên Hà Văn Chúc bước đầu Ban Thường vụ Huyện đoàn đã hỗ trợ mô hình tái chế nhựa phát triển kinh tế cho đoàn viên Hà Văn Chúc với số tiền 5 triệu đồng. Đồng thời, Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện làm hồ sơ hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh với số tiền 50 triệu đồng cho đoàn viên Hà Văn Chúc vay tạo điều kiện phát triển mô hình và nhân rộng hiệu quả mô hình góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và tạo thu nhập phát triển kinh tế cho ĐVTN địa phương.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tiếp tục rà soát thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và sẽ đồng hành với các ý tưởng mang tính khả thi, hiệu quả cao của đoàn viên thanh niên để hiện thực hoá ý tưởng một cách hiệu quả nhất.
HUYỆN ĐOÀN CẦU NGANG