“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU NGANG ::.”

CẦU NGANG TỔ CHỨC HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI ĐỊA CHỈ ĐỎ – DI TÍCH CHÙA GIÁC LINH

Chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2024). Ngày 07/02/2024, Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Cầu Ngang phối hợp với Huyện đoàn – Hội LHTN Việt Nam huyện Trà Cú tổ chức hành trình đến với địa chỉ đỏ tại Di tích chùa Giác Linh (chùa Dơi).

Cán bộ, đoàn viên 02 đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại Di tích chùa Giác Linh

Tại chương trình, cán bộ, đoàn viên thanh niên của 02 đơn vị đã đến tham quan di tích chùa Giác Linh hay còn gọi là chùa Dơi tọa lạc tại ấp Nhất A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, đoàn viên thanh niên không chỉ được tham quan khu di tích mà còn được tìm hiểu về truyền thống đấu tranh kiên cường trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Cán bộ, đoàn viên 02 đơn vị chụp ảnh lưu niệm tại ngôi miếu Linh Sơn Điện

Hình ảnh ngôi miếu Linh Sơn Điện

Được biết, ngôi chùa được ông Dương Quang Sơn, người Hoa gốc Triều Châu tạo dựng vào năm Tân Mùi 1871. Khi mới tạo dựng là một miếu thờ nhỏ là Linh Sơn Điện. Đến năm 1937, nhân dân địa phương xây dựng lại và lấy tên là Giác Linh Tự. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Linh Sơn Điện đã là tụ điểm hội họp, sinh hoạt của những nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp trong tổ chức Thiên Địa Hội. Năm 1922, tổ chức Thanh Niên Đỏ của tỉnh được thành lập nơi đây, trong đó có đồng chí Dương Quang Đông. Rồi một trong ba Chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trà Vinh – Chi bộ Mỹ Long cũng chọn địa điểm này hội họp thường xuyên trong những năm đầu thành lập. Đến năm 1934 – 1935, chùa lại được chọn làm trụ sở của cơ quan Liên Tỉnh uỷ Vĩnh – Trà – Bến. Giai đoạn cận Cách mạng Tháng 8 năm 1945, để nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, ngôi chùa lại chứng kiến một cuộc họp trù bị nhằm củng cố lại Xứ uỷ, do đồng chí Dương Quang Đông triệu tập. Những năm 1966 – 1967 chiến tranh ác liệt, mặt phía tây nam trong khuôn viên chùa có một hệ thống chiến hào dài hơn 300m được đào nhằm chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Cũng trong giai đoạn này, dựa vào sự tĩnh mịch của chốn tu hành, sự um tùm của cây cối, hàng chục hầm bí mật được đào trong khuôn viên chùa để cán bộ ẩn tránh. Đặc biệt, cả đại hồng chung cũng được nhà chùa hiến cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc. Năm 1970, địch đến đóng đồn sát rào chùa, nhằm khống chế cách mạng vùng Mỹ Long và cũng để theo dõi các nhà tu hành. Dù vậy, ni sư Phụng vẫn một lòng một dạ bám trụ chùa, để một năm sau ta đã công kích bọn chúng phải bỏ đồn rút chạy. Chùa Giác linh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/01/1998.

Bên cạnh đó, nằm trong chuổi các hoạt động của chương trình, 02 đơn vị đã tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà cho các cô chú là Cựu thanh niên xung phong tại các xã trên địa bàn huyện Cầu Ngang; tổ chức hoạt động giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao giữa cán bộ, đoàn viên giữa hai đơn vị.

Tổ chức đoàn đến thăm và tặng quà cho các cô chú là Cựu thanh niên xung phong tại các xã trên địa bàn huyện

Giao lưu bóng chuyền

Thông qua các hoạt động giúp thanh niên tự hào về lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Đoàn, Hội, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ huyện nhà trong tham gia thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”. Tri ân đến các thế hệ TNXP đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Huyện đoàn Cầu Ngang.

BÀI VIẾT MỚI

BÀI VIẾT CŨ HƠN

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn