“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CẦU NGANG ::.”

CẦU NGANG: TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG TUYÊN TRUYỀN, GIỚI THIỆU CÁC DI TÍCH TRÊN ĐỊA BÀN XÃ MỸ LONG BẮC VÀ XÃ HIỆP MỸ TÂY

Ngày 22/10/2024, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện Cầu Ngang tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các di tích trên địa bàn xã Mỹ Long Bắc và xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang.

Di tích Chùa Giác Linh (Chùa Dơi)

Tại xã Mỹ Long Bắc, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho gần 40 đoàn viên, học sinh về di tích Chùa Giác Linh (Chùa Dơi) – di tích lịch sữ cấp quốc gia.

Đồng chí Trần Thị Quỳnh Như – Bí thư Đoàn xã Mỹ Long Bắc, thành viên Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện đang giới thiệu về di tích Chùa Dơi cho đoàn viên và học sinh.

 Được biết, Di tích chùa Giác Linh còn gọi là chùa Dơi tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 30km về hướng Đông Nam, cách thị trấn Cầu Ngang hơn 5km về hướng Đông Bắc thuộc ấp Nhứt A, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa được ông Dương Quang Sơn, người Hoa gốc Triều Châu tạo dựng vào năm Tân Mùi 1871. Khi mới tạo dựng là một miếu thờ nhỏ có tên Linh Sơn Điện. Đến năm 1937, nhân dân địa phương xây dựng lại và lấy tên là Giác Linh Tự. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, Linh Sơn Điện đã là tụ điểm hội họp, sinh hoạt của những nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp trong tổ chức Thiên Địa Hội. Năm 1922, tổ chức Thanh Niên Đỏ của tỉnh được thành lập nơi đây, trong đó có đồng chí Dương Quang Đông. Mùa xuân năm 1930, Chi bộ Mỹ Long, một trong ba chi bộ Cộng sản đầu tiên của Trà Vinh được thành lập tại Linh Sơn Điện và chọn nơi này hội họp thường xuyên trong những năm đầu ra đời. Giai đoạn năm 1934 – 1935, Linh Sơn Điện được chọn làm trụ sở của cơ quan liên tỉnh uỷ Vĩnh – Trà – Bến. Những ngày cận Cách mạng Tháng 8 năm 1945, để nắm bắt thời cơ khởi nghĩa giành thắng lợi, tại chùa Giác Linh diễn ra cuộc họp trù bị nhằm củng cố lại Xứ uỷ do đồng chí Dương Quang Đông triệu tập. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ni cô Phụng, một bậc chân tu của chùa đã dùng tiếng mõ làm tín hiệu triệu tập hoặc giải tán cán bộ cách mạng khi hội họp hay lẫn tránh lúc có động. Sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ni cô Phụng trở thành ni sư trụ trì chùa. Dưới sắc áo nhà tu ni cô Phụng che được mắt bọn địch, bằng những chuyến hành hương đã vận chuyển vũ khí cho tổ chức cách mạng.

Những năm 1966-1967, chiến tranh ác liệt, mặt phía Tây Nam trong khuôn viên chùa một hệ thống chiến hào dài hơn 300m được đào nhằm chống lại các cuộc hành quân, càn quét của địch. Cũng trong giai đoạn này, dựa vào sự tĩnh mịch của chốn tu hành, sự um tùm của cây cối, hàng chục hầm bí mật được đào trong khuôn viên chùa để cán bộ lẫn tránh. Đặc biệt, cả đại hồng chung của chùa cũng hiến cho công trường chế tạo vũ khí đánh giặc. Năm 1970, địch đến đóng đồn sát rào chùa, nhằm khống chế cách mạng vùng Mỹ Long và cũng để theo dõi các nhà tu hành. Dù vậy, ni sư Phụng vẫn một lòng, một dạ bám trụ chùa hoạt động. Ngày 24/01/1998, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định số 95/QĐ-BVHTT xếp hạng chùa Giác Linh là Di tích Quốc gia thuộc loại hình Di tích Lịch sử.

Di tích chùa Phước Mỹ (chùa Bà Sở)

Cùng ngày, tại xã Hiệp Mỹ Tây, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện cũng đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho gần 50 đoàn viên, học sinh về di tích chùa Phước Mỹ – di tích lịch sữ cấp tỉnh.

Đồng chí Đình Hoàng Vũ – Bí thư Đoàn xã Hiệp Mỹ Tây, thành viên Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện đang giới thiệu về di tích Chùa Phước Mỹ (chùa Bà Sở) cho đoàn viên, học sinh

Được biết, di tích chùa Phước Mỹ tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 42km, cách thị trấn Cầu Ngang khoảng 15km về hướng đông nam thuộc ấp Bến Chùa, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Chùa Phước Mỹ còn gọi là chùa Cây Quăn hay chùa Bà Sở được bà Phạm Thị Đồ còn gọi là Bà Sở tạo dựng vào năm 1886. Ngay khi Chi bộ Hiệp Mỹ ra đời, Chi bộ đã chọn chùa là một trong những địa điểm hội họp, tuyên truyền phát động các phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, đòi giảm tô giảm thuế được quần chúng nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ phong trào cách mạng lắng xuống, chùa Phước Mỹ đón đồng chí Tám Sự được trên điều về vào trụ trì chùa nhằm che mắt địch hoạt động gầy dựng lại cơ sở. Đồng chí được bà con phật tử nuôi chứa, chở che. Chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, Huyện ủy Cầu Ngang phân công đồng chí Hai Thúc tổ chức cuộc họp để chỉ đạo xã Hiệp Mỹ nổi dậy cướp chính quyền. Ngày 27/8/1945, dưới sự chỉ huy của đồng chí Huỳnh Văn Quới lực lượng trong xã trong đó có bà con phật tử chùa Phước Mỹ với giáo mác, gậy gộc đã trương băng cờ khẩu hiệu kéo về chợ Ô Lắc cướp chính quyền, chiếm trụ sở làng Hiệp Mỹ buộc địch giao chính quyền vào ngày 28/7/1945. Trong công cuộc “Trường kỳ kháng chiến” chống Pháp, để khống chế phong trào cách mạng trong vùng, tháng 6/1951 thực dân Pháp đưa bọn Leon Leroy (UMDC) từ Bến Tre sang dùng tàu theo sông Thâu Râu vào đóng đồn tại chùa Phước Mỹ. Nhưng chỉ một tháng sau với sự hỗ trợ của bà con phật tử, Đại đội 380 của ta đã tập kích đồn làm địch thương vong nặng. Bước sang giai đoạn chống Mỹ chùa Phước Mỹ tiếp tục là trụ sở, là địa điểm dừng chân đóng quân của nhiều cơ quan như: Huyện đội, Hậu cần, Dân y, Công trường huyện; Xã ủy, Huyện ủy, Tỉnh ủy…

Tháng 8/1962, để chỉ đạo phong trào phá ấp chiến lược, Xã ủy Hiệp Mỹ tổ chức cuộc họp tại chùa để Huyện ủy triển khai chỉ đạo. Sau đó phong trào đấu tranh bức rút đồn bót, phá ấp chiến lược dấy lên rầm rộ, đến cuối năm 1963 có 6/9 ấp của xã được giải phóng. Tháng 3/1968, Tỉnh ủy cử đồng chí Dương Văn Phan – Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy về chùa triển khai nghị quyết và chỉ đạo các xã bao vây đánh đồn bót, vận động binh lính quay về với gia đình. Ngày 27/7/1968, địch mở cuộc càn quét vào vùng căn cứ Rừng Làng – Hiệp Mỹ có trực thăng yểm trợ. Cuộc càn quét, bắn phá đã làm ngôi chùa hư hỏng nặng, nhiều tượng phật bị vỡ. Cũng tại chùa, ngày 5/12/1974 đồng chí Nguyễn Trường Thọ – Phó Bí thư Tỉnh ủy, chính trị viên Tỉnh đội tổ chức cuộc họp với Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ huy các Tiểu đoàn 501, 512, 509 triển khai kế hoạch giải phóng nông thôn, giải phóng Cầu Ngang. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Phước Mỹ là cơ sở của cách mạng, là địa điểm dừng chân đóng quân của nhiều đơn vị. Các vị sư, phật tử hết lòng đùm bọc, chở che và đóng góp tiền của phục vụ kháng chiến. Có nhiều đồng chí trong Ban Quản trị chùa là Đảng viên tiêu biểu như: đồng chí Nguyễn Văn Bá, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Thạch, Mai Văn Phương, Nguyễn Văn Tịnh… Ngày 10/12/2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 2513/QĐ-CTT xếp hạng chùa Phước Mỹ là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.

 Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ huyện nhà trong việc tham gia giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị lịch sử tới đoàn viên, thanh thiếu nhi, người dân. Thời gian tới Đội hình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Huyện đoàn Cầu Ngang.

BÀI VIẾT CŨ HƠN

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn