Nhằm góp phần giữ gìn, phát huy và quảng bá các di tích lịch sử, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện Cầu Ngang. Ngày 10/10/2024, Ban Thường vụ Huyện đoàn ban hành quyết định 111-QĐ/ĐTN về việc thành lập Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, công trình văn hoá trọng điểm trên địa bàn huyện Cầu Ngang. Đội hình có 20 thành viên, đồng chí Phó Bí thư Huyện đoàn làm đội trưởng, các thành viên của gồm các đồng chí Bí thư Đoàn xã, thị trấn và các Đoàn trường THPT trên địa bàn huyện.
Ra mắt Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện Cầu Ngang
Ngay sau khi thành lập, ngày 19/10/2024, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện Cầu Ngang tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu các di tích trên địa bàn thị trấn Mỹ Long và xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang.
Di tích Đồng Khởi Mỹ Long
Tại thị trấn Mỹ Long, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho khoảng 40 đoàn viên, thanh niên về di tích Đồng Khởi Mỹ Long – di tích lịch sữ cấp tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Anh Kiệt – Bí thư Đoàn thị trấn Mỹ Long, thành viên Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện đang giới thiệu về di tích Đồng khởi Mỹ Long cho đoàn viên, thanh niên
Di tích Đồng Khởi Mỹ Long tọa lạc tại khóm I, thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Được Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận là di tích lịch sữ cấp tỉnh tại Quyết định số 2225/QĐ-UBND ngày 25/10/2019. Di tích Đồng Khởi Mỹ Long là tên gọi gắn liền với sự kiện Đồng khởi ngày 14/9/1960 với địa danh Mỹ Long nơi diễn ra sự kiện Đồng khởi. Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và chỉ đạo của Xứ ủy, liên Tỉnh ủy Nam bộ, ngày 08/9/1960, tại một địa điểm bí mật ở rừng Lương Cầu, xã Long Toàn, Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh chọn ngày14/9/1960 tiến hành Đồng khởi đồng loạt trong toàn tỉnh, chọn huyện Cầu Ngang làm trọng điểm, xã Mỹ Long làm điểm chỉ đạo, phân công đồng chí Phạm Văn Kiết (Năm Vận) – Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo Đồng khởi. Đồng chí Nguyễn Trường Thọ (Năm Ròm) – Bí thư xã Mỹ Long nhận chỉ thị từ Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Long (Mười Dài): “Bằng bạo lực chính trị quần chúng kết hợp binh vận và du kích nổi dậy lấy đồn giành cho được chính quyền về tay nhân dân giải phóng xã”. Từ 23 giờ ngày 13/9/1960, hàng ngàn quần chúng nhân dân từ các xóm tập trung tại nhà chị Ba Thơi, ngã ba Máy Chà, ấp Nhứt dự buổi mit ting thị uy, đến sáng ngày 14/9/1960 cùng với lực lượng du kích, dân quân Mỹ Long siết chặt vòng vây, xạ kích vào đồn dân vệ tề xã, kết hợp phát loa kêu gọi binh lính đầu hàng. Mặc dù địch phản kháng quyết liệt làm 3 người hy sinh là chị Chính Thẩm, anh Tư Pháo, anh Ba Nhiên và 14 người khác bị thương nhưng với kế sách nghi binh kết hợp với gia đình binh lính đi trước, cán bộ và lực lượng xung kích áp sát phía sau tiến công tề xã đã buộc địch đầu hàng, giao chính quyền. Khởi nghĩa thắng lợi đúng 17 giờ ngày 15/9/1960, ta bắt sống 40 tên dân vệ, thu 32 súng nhiều đạn dược cùng toàn bộ quân trang, quân dụng và các thiết bị chiến tranh khác. Sáng ngày 17/9/1960, địch đưa lính quận ở Cầu Ngang ra tái chiếm lại Mỹ Long, đến ngã ba Mày chà, ấp Nhứt thì bị trung đội du kích do đồng chí Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Văn Chói, Nguyễn Văn Đủ chỉ huy diệt tại trận 8 tên, thu 3 khẩu súng, bắt sống 1 tên. Sáng ngày 18/9/1960, tên quận trưởng Cầu Ngang lại đưa 2 đại đội Bảo an phản kích tái chiếm Mỹ Long. Khi đến ngã ba Máy chà thì lọt vào trận địa phục kích của ta, tuy nhiên do tương quan lực lượng quá chênh lệch, đồng chí Nguyễn Văn Chói đã anh dũng hy sinh, đồng chí Nguyễn Văn Chói bị địch bắt cắt đầu rồi đem về Bùng Binh thị uy, nhằm răn đe phong trào cách mạng. Đến ngày 21/9/1960, địch đưa một tiểu đội chủ lực và tiến đánh mới tái chiếm được đồn Mỹ Long. Với cuộc Đồng khởi Mỹ Long 14/9/1960, Chi bộ quân dân Mỹ Long bằng sự phối hợp khéo léo, chặt chẽ giữa tiến công vũ trang với bạo lực chính trị quần chúng và sức mạnh binh vận đã tự lực giải phóng xã nhà, giành chính quyền về tay nhân dân. Việc Mỹ Long giải phóng đã phá vỡ một mảng quan trọng trong hệ thống kiềm kẹp của địch ở Cầu Ngang nói riêng và cả tỉnh nói chung và là một mô hình mẫu mực của việc kết hợp ba mũi giáp công quân sự, chính trị và binh vận. Di tích Đồng khởi Mỹ Long là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Cùng ngày tại xã Trường Thọ, Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên huyện cũng đã tổ chức hoạt động tuyên truyền, giới thiệu cho khoảng 50 đoàn viên, học sinh về di tích chùa Can Snom – di tích lịch sữ cấp tỉnh.
Di tích Chùa Can Snom
Đồng chí Phan Đăng Khoa – Bí thư Đoàn xã Trường Thọ, thành viên Đội hình tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn huyện đang giới thiệu về di tích chùa Can Snom cho đoàn viên, học sinh
Di tích Chùa Can Snom tọa lạc ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang cách thành phố Trà Vinh khoảng 25km về hướng nam, cách thị trấn Cầu Ngang khoảng 10km về hướng tây thuộc. Hiện tại, chưa tìm được tư liệu xác định chùa Can Snom được xây dựng năm nào, tuy nhiên theo lời kể thì chùa được di dời và tạo lập lần thứ ba vào năm 2291 Phật lịch tức 1747 dương lịch trong khuôn viên rộng 74.658 m2 . Ngay những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945, hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt” các lớp bình dân học vụ được tổ chức tại chùa Can Snom. Thông qua những lớp học này, các vị sư sãi cùng cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, giải thích âm mưu của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân. Tháng 02/1946, thực dân Pháp cho một tiểu đội lính do hai tên Pháp chỉ huy vào chiếm đóng Nhị Trường. Chúng ra sức lôi kéo, xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng bào gây nên mâu thuẫn giữa người Khmer và người Kinh. Thời gian này sư cả Lư cùng Ban quản trị đã đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù. Nhà chùa tích cực tham gia Hội ủng hộ Bộ đội Isarăk xã Nhị Trường do đồng chí Thạch Wọng – Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh làm chủ tịch, Achar Sơn Wọng làm thư ký. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sư cả Thạch Tạnh sử dụng chính điện làm nơi tổ chức các cuộc họp của cán bộ xã, huyện, tỉnh để triển khai các chủ trương của Đảng. Các đồng chí Thạch Liệp, Thạch Khriệt, Thạch Chân được nhà chùa chở che, bảo vệ.
Từ năm 1957-1959, đồng chí Thạch Minh Mẫn thường xuyên đến chùa gặp sư cả Thạch Tạnh triển khai tài liệu năm bước công tác cách mạng. Sư cả Thạch Tạnh sử dụng chùa làm nơi ẩn náo cho thanh niên kể cả người Kinh, người Hoa. Từ đây đã xuất phát nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu là cuộc đấu tranh kéo vào huyện lỵ Cầu Ngang tháng 11/1960. Địch cho nả pháo làm bà Thạch Thị Hai, Sơn Thị Lý tử vong, hai người khác bị thương. Năm 1967, địch bí mật gài mìn trong khuôn viên chùa làm ba vị sư Thạch Thâm, Thạch Chuông, Thạch Ni tử vong. Năm 1968, địch đã bắn pháo vào chùa làm bà Thạch Thị Xưm người trông nom việc chùa thiệt mạng, nhiều tượng Phật bị hư hỏng. Tháng 7/1968, khi Đại đội địa phương quân phối hợp cùng du kích xã lập trận địa phục kích tiêu diệt Trung đội dân vệ địch tại Trường Đua – Bông Ven. Trận đánh đã giành thắng lợi, theo kế hoạch đêm sau rút về căn cứ. Nhưng đêm ấy địch đưa Đại hội bảo an cùng biệt kích đánh vào Chông Văn, cho nên một cánh quân của ta buộc phải rút về Căn Nom. Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 của địch yểm trợ tiến về Căn Nom. Đồng chí đại đội trưởng Nguyễn Văn Phát bàn sư cả Thạch Tạnh đưa 27 cán bộ, chiến sĩ và vũ khí lên trần chánh điện trú ẩn. Địch ập đến, điên cuồng lùng sục nhưng không tìm ra dấu vết buộc chúng rút đi. Giai đoạn 1969-1975, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy chống địch càn quét bảo vệ căn cứ, trong khuôn viên chùa các hầm bí mật tiếp tục được sử dụng để tránh bom pháo và trú ẩn khi có động. Nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra mà địa điểm tập trung xuất phát tại chùa Can Snom rồi kéo ra xã, lên huyện, lên tỉnh. Trong một cuộc biểu tình địch đã đàn áp và bắt một số sư sãi, phật tử như: Thạch Nụ, Thạch Keo, Thạch Tư, Kiên Thái, Thạch Hớs, Tô Tư, Thạch Khône… tra khảo nhưng không khai thác được gì buộc chúng phải thả về. Năm 1971, khi địch đưa quân đến bao vây và xông vào chùa bắt lính, sư cả Thạch Tạnh chỉ đạo sư sãi đấu tranh chống lại. Không chỉ trực tiếp đấu tranh tại chùa, tại địa phương, sư sãi của chùa còn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do Ban Khmer vận, Ban Sãi vận huyện, tỉnh tổ chức. Điển hình là cuộc đấu tranh do sư sãi chùa Can Snom làm nồng cốt cùng sư sãi và bà con Khmer huyện Cầu Ngang kéo lên bao vây Trung tâm Tuyển mộ quân dịch của địch ở Trà Vinh giải thoát các nhà sư, thanh niên bị địch bắt. Bước vào chiến dịch giải phóng Trà Vinh năm 1975, lực lượng dân công Nhị Trường trong đó có nhiều phật tử chùa Can Snom tham gia đào công sự chiến đấu, chuyển lương, tải đạn phục vụ bộ đội tiến công chi khu Cầu Ngang. Kết thúc hai cuộc kháng chiến rất nhiều sư sãi của chùa sau khi hoàn tục đã tham kháng chiến và anh dũng hi sinh như: liệt sĩ Kim Chon, Sơn Song, Thạch Khương, Thạch Sương, Thạch Suôl, Thạch Hớs, Thạch Phát, Thạch Srúch, Tô Ly, Thạch Chân, Thạch Sa Rương, Kim Rọt, Thạch Sơn, Kiên Ron, Thạch Phun, Thạch Thị Huôn, Thạch Luône, Thạch Thao, Thạch Mung, Thạch Bổn… Riêng sư cả Thạch Tạnh đã được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Ngày 13/6/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1127/QĐUBND xếp hạng chùa Can Snom là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Đây là hoạt động thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ huyện nhà trong việc tham gia giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị lịch sử tới đoàn viên, thanh thiếu nhi, người dân. Thời gian tới Đội hình sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động góp phần bảo tồn, phát huy giá trị, giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Huyện đoàn Cầu Ngang.